Vận tải nói chung và vận tải đường bộ nói riêng có vai trò thiết yếu đối với sản xuất và đời sống kinh tế - xã hội. Hiện nay ở nước ta, vận tải đường bộ đảm nhiệm 94,23% tổng khối lượng vận chuyển hành khách và 77,47% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa. Vì vậy, vận tải đường bộ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.
Vì sao “đắt” mà vẫn được chọn
Kể từ khi Nhà nước chủ trương xã hội hóa vận tải đường bộ, các thành phần kinh tế đã phát triển mạnh mẽ, các phương tiện kinh doanh vận tải gia tăng nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Cùng với sự phát triển của lực lượng vận tải, công tác quản lý hoạt động vận tải đường bộ cũng đã có những chuyển biến tích cực và ngày càng được hoàn thiện. Chính vì vậy, sản lượng vận tải không ngừng tăng lên.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm 2018, vận tải hành khách đạt 1.874,5 triệu lượt khách, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước và 82,8 tỷ lượt khách.km, tăng 11,2%. Trong đó, vận tải hành khách đường bộ đạt 1.768,9 triệu lượt khách, tăng 10,6% và 57,6 tỷ lượt khách.km, tăng 11,2%. Về vận tải hàng hóa, đường bộ đạt 509,4 triệu tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước và 33,6 tỷ tấn.km, tăng 9,9%.
Có thể thấy hiện nay, vận tải đường bộ chiếm đa số thị phần, song so về giá thành, vận tải đường bộ còn cao hơn nhiều so với các loại hình khác như đường thủy, hàng hải. Tuy nhiên thực tế cho thấy, dịch vụ vận tải đường bộ dù đắt đỏ hơn so với đường sắt, đường thủy, hàng hải nhưng doanh nghiệp vẫn lựa chọn phương thức vận tải này. Theo tính toán, chi phí vận chuyển container loại 40 feet từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh vào khoảng 40 triệu VNĐ, cao gấp 9,7 lần so với vận chuyển bằng đường biển và hơn 2,5 lần so với vận chuyển bằng đường sắt. Mặc dù vậy, chủ hàng vẫn lựa chọn phương án đường bộ vì vận tải đường bộ kết nối trực tiếp được với hệ thống cảng biển, sân bay, nhà ga, có khả năng thích nghi cao với mọi địa hình và có thể chủ động về thời gian vận chuyển.
Vận tải hàng hóa đường bộ đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động lưu thông hàng hóa như kinh doanh, sản xuất, trao đổi... không chỉ trong nước mà còn kết nối với các quốc gia trong khu vực như: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan... Nhờ việc trở thành khâu trọng yếu trong các hoạt động kinh tế mà vận chuyển đường bộ góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia và phát triển xã hội, từ đó góp phần vào ngân sách nhà nước thông qua nhiều loại thuế và nhờ những dịch vụ kèm theo như kho bãi, bốc xếp hàng hóa, bảo dưỡng, sửa chữa... Bên cạnh đó, dịch vụ này còn tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.
Có thể thấy, dù hiện nay có sự phát triển mạnh từ các phương thức vận tải khác nhưng đường bộ vẫn là mắt xích không thể thiếu, kết hợp tốt trong quá trình vận chuyển tạo nên hiệu quả cao.
Giảm chi phí thúc đẩy phát triển logistics
Theo phân tích của các chuyên gia, chiếm trên 70% thị phần vận tải hàng hóa cùng với chi phí cao, vận tải đường bộ đang được coi là nguyên nhân làm đội chi phí logistics. Hiện nay, chi phí logistics của Việt Nam đang ở mức khá cao so với một số nước trong khu vực, chiếm khoảng 20,9% GDP. Đây là nút thắt lớn ảnh hưởng đến giá thành hàng hóa, chi phí chuỗi giá trị hàng hóa và năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Do đó, để giảm chi phí logistics, trước tiên phải giảm được chi phí vận tải đường bộ. Trước thực tế này, theo bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, Tổng cục sẽ hình thành và đưa vào hoạt động các tuyến vận tải mẫu nhằm mục tiêu giảm thị phần vận tải đường bộ và giảm chi phí vận tải; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối các sàn giao dịch vận tải hàng hóa với phương thức vận tải khác làm cơ sở phát triển dịch vụ logistics; thúc đẩy hoạt động của Sàn Giao dịch vận tải hàng hóa nhằm hạn chế xe chạy rỗng, tiết kiệm chi phí và hình thành sàn giao dịch chung cho các phương thức vận tải.
Còn theo đại diện Vụ Vận tải - Bộ GTVT, để có thể cắt giảm chi phí vận tải đường bộ góp phần kéo giảm chi phí logistics, thời gian tới cần tiếp tục sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, từng bước xã hội hóa để đầu tư hình thành mạng đường bộ cao tốc quốc gia, đường chuyên dùng bảo đảm kết nối hiệu quả các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế trọng điểm, cửa khẩu chính, đầu mối giao thông quan trọng với các cảng biển, cảng thủy nội địa, ga đường sắt. Trong đó, điều quan trọng là phải xây dựng được hành lang vận tải đa phương thức, làm sao để kết hợp được các phương thức vận tải khác nhau để giảm chi phí vận tải; ưu tiên xây dựng một số hành lang vận tải trọng điểm, kết nối cảng biển với các khu kinh tế, từ đó đưa ra phương thức vận tải tối ưu nhất để có chi phí thấp nhất.